Biến dạng cổ thiên nga là gì?
Biến dạng cổ thiên nga là một tình trạng các khớp ngón tay bị cong bất thường, tạo thành hình dạng giống như cổ con thiên nga. Tình trạng này xảy ra khi có áp lực bất thường tác động lên dây chằng quanh khớp liên đốt gần (PIP) của ngón tay. Áp lực khiến cho dây chằng bị nới lỏng, sau đó khớp liên đốt gần bị duỗi quá mức. Kết quả, khớp này bị cong vòng xuống, hướng về phía lòng bàn tay. Đồng thời, khớp liên đốt xa (DIP) cũng khiến cho đầu ngón tay gập về phía lòng bàn tay.
Nguyên nhân gây ra biến dạng cổ thiên nga
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra biến dạng cổ thiên nga là viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác, có thể là một hoặc nhiều tình trạng sau:
- Các loại viêm khớp khác
- Ngón tay vồ (mallet finger) không được điều trị
- Gãy xương ngón tay nhưng quá trình hồi phục không tốt
- Chấn thương trực tiếp đến ngón tay có dây chằng quanh khớp liên đốt gần đã yếu
- Tổn thương thần kinh gây co thắt cơ bắp
- Đầu ngón tay bị giập, tổn thương nghiêm trọng
- Căng cứng cơ bàn tay do chấn thương
- Lớp mô xơ ở vị trí giữa lòng bàn tay và ngón tay bị giãn, lỏng lẻo
- Dây chằng ngón tay bị nhão
- Đứt một hoặc nhiều gân ngón tay
- Một số bệnh lý di truyền, chẳng hạn như hội chứng Ehlers-Danlos
Triệu chứng của biến dạng cổ thiên nga
Ở giai đoạn sau, biến dạng cổ thiên nga có thể dễ dàng được nhận diện nhờ vào các triệu chứng trực quan. Những dấu hiệu sớm của tình trạng này thường là đau khi uốn cong khớp giữa các đốt ngón tay và cong nhẹ một hay nhiều ngón tay theo nhiều hướng khác nhau. Nếu không được điều trị, hai khớp liên đốt gần và xa sẽ có hình dạng cong bất thường, khiến ngón tay trông giống với hình dạng của cổ con thiên nga.
Chẩn đoán và điều trị biến dạng cổ thiên nga
Chẩn đoán:
Bác sĩ sẽ nhìn vào hình dạng các ngón tay và kiểm tra xem có đầu ngón tay nào gập xuống và cong hướng về lòng bàn tay, cũng như có khớp liên đốt gần nào vòng lõm xuống quá mức không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cố gắng để tìm ra nguyên nhân gây ra biến dạng này. Đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp, nguyên nhân rất có thể liên quan đến bệnh lý này. Đôi khi, bạn sẽ được yêu cầu chụp X-quang ngón tay bị biến dạng để xem có chấn thương cấp tính nào xảy ra hay không.
Điều trị:
Điều trị cho biến dạng cổ thiên nga ở từng người bệnh sẽ không giống nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của biến dạng. Có hai hình thức điều trị là không phẫu thuật và phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật:
- Nẹp ngón tay: Giúp các khớp liên đốt gần trở nên mềm dẻo trở lại.
- Vật lý trị liệu: Bài tập kéo dài, xoa bóp và vận động khớp để khôi phục chức năng và mối liên kết giữa các ngón tay với bàn tay.
- Thuốc giảm đau: Giảm đau và khó chịu do biến dạng gây ra.
Phẫu thuật:
- Phẫu thuật mô mềm: Tách, sắp xếp và điều chỉnh lại các dây chằng quanh khớp liên đốt gần.
- Phẫu thuật cố định khớp ngón tay: Cố định khớp liên đốt xa để đầu ngón tay không thể cong gập xuống nữa.
- Chỉnh hình khớp liên đốt gần: Thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp liên đốt gần ở các ngón tay bị biến dạng.