Kiểm tra sức khỏe của trẻ
Trước khi tiêm vắc xin, hãy kiểm tra xem trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe trong 3 ngày gần đây không. Nếu trẻ sốt cao, bị bệnh nặng hoặc cân nặng không đạt tiêu chuẩn, hãy báo ngay với bác sĩ để được chẩn đoán hoặc sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm phòng. Bác sĩ sẽ quyết định xem trẻ có thể tiêm chủng khi đang ốm hay không dựa trên tình trạng sức khỏe của trẻ.
Ghi nhớ các loại thuốc bé uống và những thuốc gây dị ứng
Ghi lại những loại thuốc mà trẻ đã, đang uống gần đây, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc, vắc xin hoặc thành phần nào của thuốc, hãy ghi nhớ hoặc viết ra giấy để đưa cho bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin.
Quần áo dễ cởi, dễ xắn
Đối với trẻ dưới 12 tháng, mũi vắc xin thường được tiêm vào đùi. Hãy cho trẻ mặc quần áo dễ cởi, chẳng hạn như quần dài hoặc váy rộng. Bạn có thể quấn trẻ trong một chiếc khăn trước khi tiêm, nhưng hãy để hở phần chân hoặc bộ phận sắp được tiêm vắc xin. Đối với trẻ mới biết đi hoặc lớn hơn, chuẩn bị quần áo tay rộng hoặc tay ngắn vì vị trí tiêm thường là cánh tay.
Tắm sạch sẽ cho bé
Tắm sạch sẽ cho trẻ trước khi tiêm phòng để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng trong và sau khi tiêm.
Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống nước đường
Đối với trẻ còn bú mẹ, hãy cho trẻ bú sữa mẹ trước khi tiêm phòng. Vị ngọt của sữa mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy mũi tiêm ít đau hơn. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ uống một chút nước đường với mục đích tương tự. Tuy nhiên, tránh cho trẻ bú hoặc ăn quá no trước khi tiêm và cũng không để bụng trẻ đói vì điều này có thể khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
Sổ tiêm chủng
Mang theo sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng của trẻ. Sổ này ghi lại thông tin về các mũi tiêm mà trẻ đã tiêm trước đây, giúp bác sĩ quyết định trẻ cần tiêm bổ sung, tiêm bù hoặc tiêm nhắc lại loại vắc xin nào.
Tìm hiểu về loại vắc xin sắp tiêm
Tìm hiểu về loại vắc xin mà trẻ sắp được tiêm, bao gồm thành phần, số mũi tiêm, độ tuổi phù hợp, lợi ích, tác dụng phụ và rủi ro. Điều này giúp phụ huynh chuẩn bị về mặt tâm lý và có những biện pháp phù hợp để đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong và sau khi tiêm phòng.
Vật dụng cần thiết của trẻ
Mang theo những vật dụng yêu thích của trẻ, chẳng hạn như gấu bông, sách hoặc đồ chơi. Đối với trẻ nhỏ, bình sữa và núm vú giả cũng là những vật dụng không thể thiếu.
Giải thích cho trẻ vì sao phải chủng ngừa
Đối với trẻ lớn, hãy giúp trẻ chuẩn bị tâm lý bằng cách trò chuyện về mục đích của việc chủng ngừa. Giải thích rằng tiêm phòng có thể gây đau nhưng sẽ không đau lâu và sẽ giúp trẻ bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh. Tránh kể những câu chuyện đáng sợ hoặc đe dọa trẻ về việc tiêm phòng.