Nguyên nhân gây sẹo mụn
Sẹo mụn hình thành do sự tổn thương sâu của các loại mụn viêm, chẳng hạn như mụn trứng cá và mụn nang. Khi mụn viêm xuất hiện, nang lông hoặc lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào da chết và vi khuẩn. Tổn thương do mụn sâu hơn sẽ dẫn đến tình trạng nhân mụn viêm tràn vào lớp hạ bì, phá hủy các tế bào da. Để phục hồi những tổn thương này, da sẽ sản xuất thêm collagen mới. Tuy nhiên, quá trình “sửa chữa” này thường không thể làm cho da trở nên mịn màng và hoàn hảo như trước.
Các loại sẹo do mụn gây nên
Có nhiều loại sẹo mụn khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tổn thương và quá trình hồi phục của da. Các loại sẹo mụn thường gặp nhất bao gồm:
- Sẹo lõm đáy nhọn: Sẹo hẹp, đáy sẹo hình chữ V, sâu vào da.
- Sẹo lõm chân vuông: Sẹo rộng, đáy sẹo hình chữ U, có các cạnh sắc nét.
- Sẹo lõm chân tròn: Sẹo rộng, nông, hình thành do tổn thương dưới bề mặt da.
- Sẹo lồi, sẹo phì đại: Nổi cao trên bề mặt da, đôi khi lan rộng ra ngoài ranh giới sẹo.
Biện pháp ngăn ngừa sẹo mụn
Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa sẹo mụn, nhưng có một số biện pháp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ:
- Điều trị mụn ngay khi xuất hiện: Kiểm soát mụn càng sớm càng tốt bằng các sản phẩm đặc trị tại nhà hoặc đến gặp bác sĩ da liễu nếu tình trạng mụn không thuyên giảm.
- Giảm viêm: Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da quá “nặng đô” hoặc chà xát da quá mạnh để làm sạch.
- Tuyệt đối không nặn mụn: Nặn mụn có thể khiến tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn và làm tăng nguy cơ để lại sẹo.
- Đừng bóc vảy: Vảy là một lớp màng tự nhiên của da để bảo vệ vết thương. Bóc vảy ra khỏi vết thương trước khi lành sẽ kéo dài quá trình chữa bệnh và làm tăng nguy cơ để lại sẹo.
- Hiểu rõ cơ địa da: Nếu da bạn dễ có nguy cơ để lại sẹo, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu để có những phương pháp điều trị tốt nhất.
- Gặp bác sĩ nếu tình trạng mụn của bạn trở nên trầm trọng: Những loại mụn viêm nghiêm trọng có nhiều khả năng để lại sẹo. Gặp bác sĩ da liễu để được điều trị chuyên nghiệp và giảm nguy cơ đối mặt với những vết sẹo lì lợm.