Loại thuốc hóa trị
Chi phí hóa trị khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Thuốc hóa trị có thể được dùng đường uống hoặc tiêm. Có nhiều loại thuốc khác nhau tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư, khả năng đáp ứng với điều trị và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Liều lượng, cách dùng, tần suất và thời gian dùng thuốc càng nhiều thì chi phí hóa trị cũng sẽ tăng lên.
Loại và giai đoạn của ung thư
Loại ung thư sẽ xác định loại thuốc hóa trị mà bạn cần. Mỗi bệnh ung thư có những đặc điểm lâm sàng và tính chất khác nhau nên phác đồ điều trị và thuốc hóa trị cũng hoàn toàn khác nhau. Theo đó, chi phí hóa trị cũng sẽ có đôi chút chênh lệch. Ngoài ra, bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn nào cũng tác động đến chi phí điều trị. Điều trị ung thư giai đoạn đầu chi phí thấp hơn so với ung thư giai đoạn muộn. Nếu ung thư đã di căn thì việc điều trị sẽ càng phức tạp, số đợt hóa trị cũng càng nhiều và chi phí cũng sẽ tăng theo.
Tần suất và thời gian điều trị
Hóa trị thường được chỉ định theo từng đợt với thời gian mỗi đợt lại khác nhau. Một đợt hóa trị có thể diễn ra trong một hoặc nhiều ngày, sau đó có khoảng vài ngày hoặc vài tuần nghỉ. Việc dùng thuốc cũng có thể liên tiếp nhiều ngày hoặc dùng cách ngày. Trung bình, chi phí thuốc cho mỗi đợt hóa trị rơi vào khoảng từ vài triệu đồng trở lên. Bạn càng cần dùng nhiều liều thuốc, tần suất càng nhiều và thời gian điều trị càng dài thì chi phí hóa trị càng cao.
Khả năng đáp ứng với điều trị
Không phải tất cả các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với thuốc hóa trị. Nguyên nhân có thể là do tình trạng sức khỏe tổng thể kém hoặc tế bào ung thư kháng thuốc. Sau mỗi đợt hóa trị, người bệnh sẽ được thăm khám để đánh giá các phản ứng với thuốc, tình trạng sức khỏe, khả năng kháng thuốc của tế bào ung thư… Từ đó, bác sĩ sẽ tăng liều, kết hợp thêm thuốc khác hoặc thay đổi thuốc. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng tổng chi phí hóa trị ung thư lên.
Chi phí hóa trị ung thư tùy thuộc vào cơ sở y tế điều trị
Chi phí hóa trị ung thư sẽ thay đổi tùy thuộc vào cơ sở y tế điều trị và dịch vụ y tế tại cơ sở đó. Thông thường, các bệnh viện công sẽ có chi phí rẻ hơn so với các bệnh viện tư nhân.
Thăm khám và làm xét nghiệm
Trong quá trình hóa trị, bạn có thể phải tổn thêm chi phí thăm khám định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định. Chi phí này sẽ tùy thuộc vào tần suất khám và loại xét nghiệm được chỉ định. Bác sĩ thường chỉ định làm các xét nghiệm sau đây để theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân và hiệu quả hóa trị:
– Chụp X-quang
– Chụp cộng hưởng từ
– Chụp CT
– Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu
– Sinh thiết
Các chi phí khác
Nếu phải nằm viện, bạn cần phải chuẩn bị thêm chi phí ăn uống, đi lại, giường bệnh hoặc viện phí. Chi phí này cũng là một gánh nặng không kém đối với những bệnh nhân từ các tỉnh lẻ lên bệnh viện trên thành phố để điều trị.
Làm sao để giảm nhẹ chi phí hóa trị ung thư?
Thăm khám và điều trị sớm
Chìa khóa trong điều trị tất cả các loại bệnh ung thư là thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ góp phần làm tăng tỷ lệ kiểm soát bệnh mà còn giảm nhẹ gánh nặng về chi phí hóa trị ung thư. Vì vậy, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ngay khi có những dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị sớm bệnh.
Sử dụng bảo hiểm
Hầu hết các nhà cung cấp bảo hiểm y tế đều hỗ trợ chi phí điều trị ung thư. Số tiền được bảo hiểm chi trả cho hóa trị sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào loại bảo hiểm cụ thể, mức đóng bao nhiêu và thời gian đóng là bao lâu. Mức hưởng còn phụ thuộc vào diện bạn khám bệnh viện đúng tuyến hay vượt tuyến, đối tượng bệnh nhân là người lớn hay trẻ em.
Tuân thủ chỉ định điều trị
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đề xuất một phác đồ điều trị tốt và phù hợp nhất. Việc của bạn là tuân thủ theo và tái khám theo lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi sát sao tình hình sức khỏe. Khi bệnh càng kiểm soát tốt, nhu cầu về hóa trị càng giảm đi.