Nguyên nhân gây viêm phế quản
Viêm phế quản có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân là do virus cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Hút thuốc lá, tiếp xúc với các chất độc hại tại nơi làm việc và một số bệnh lý nền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản.
Khi nào cần sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản?
Kháng sinh không thường được sử dụng để điều trị viêm phế quản cấp vì phần lớn là do nhiễm virus. Tuy nhiên, kháng sinh có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Biểu hiện bội nhiễm
- Có nguy cơ nhiễm trùng (ví dụ: thở máy)
- Trẻ sinh non, người già trên 60 tuổi
- Người mắc bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, xơ gan)
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
Lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản
Lựa chọn kháng sinh dựa trên tình hình kháng kháng sinh tại địa phương. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm:
- Ampicillin hoặc amoxicillin
- Amoxicillin + acid clavulanic hoặc ampicillin + sulbactam
- Cefuroxim
- Erythromycin, azithromycin, hoặc clarithromycin (nếu dị ứng với beta-lactam)
Cần lưu ý gì khi sử dụng kháng sinh trị viêm phế quản?
- Không tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh tình trạng kháng thuốc.
Các thuốc làm giảm triệu chứng viêm phế quản khác
Ngoài kháng sinh, các loại thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng viêm phế quản:
Thuốc giảm ho, long đờm
- Ho khan: Terpin codein hoặc dextromethorphan
- Ho có đờm: Acetylcystein
Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Paracetamol hoặc ibuprofen
Thuốc giãn phế quản
- Salbutamol (ống hít hoặc viên nén)
Thuốc steroid kháng viêm
- Có thể được chỉ định nếu nghi ngờ có hen hoặc suy hô hấp